Xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ của các nhà hàng, quán cà phê hiện nay vừa là cơ hội lại vừa là thách thức với mỗi người muốn gia nhập. Để có thể cạnh tranh được với các chuỗi cà phê lớn hay các quán cà phê đã có tên tuổi, chủ quán cà phê nhỏ cần thực sự tỉnh táo, cẩn trọng nhưng nhạy bén, linh hoạt ngay từ những bước đầu khởi sự kinh doanh. Một vài gợi ý dưới đây có thể là một hướng đi đầy đủ và bài bản để bắt đầu.
Nghiên cứu thị trường kỹ càng
Để có thể thực sự dấn thân vào cuộc chiến này, bạn cần hiểu thị trường đang làm gì, bạn là ai và bạn có vị trí nào trong thị trường ấy. Bởi vậy, nghiên cứu thị trường luôn là bước đi đầu tiên. Nếu đã có mặt bằng, hãy tập trung vào các đối thủ xung quanh khu vực. Nếu đã có món đặc trưng, hãy nghiên cứu các menu mức giá tương tự. Nếu đã có khoản vốn nhất định, hãy nghiên cứu các quán có chung xuất phát điểm.
Lên ý tưởng cho quán cà phê
Ý tưởng là một khái niệm mông lung, mơ hồ, khó có thể giải thích trong một hai câu. Ý tưởng cho quán cà phê cũng là vấn đề đau đầu của chủ đầu tư. Thế nhưng, nếu hiểu một cách đơn giản, bạn cần trả lời các câu hỏi này: Phong cách quán của bạn là gì? Đối tượng khách hàng của bạn sẽ bị thu hút vì điều gì? Khách hàng sẽ nhớ đến bạn như thế nào?
Thiết kế cà phê gạch thẻ độc đáo
Sau đó, bạn cần xác định được một điểm đặc sắc nhất, nổi bật nhất mà quán cà phê nhỏ của mình sở hữu, khác biệt so với các đối thủ.
Xây dựng kế hoạch kinh doanh
Quyết định bắt đầu kế hoạch kinh doanh quán cà phê, chủ đầu tư cần nhớ đây là một công việc dài hơi. Bởi vậy, để có thể đi được đường dài, hãy chuẩn bị một kế hoạch thực tế, hiệu quả, đủ chi tiết để có thể vận hành tốt sau này.
Kế hoạch kinh doanh cần xác định rõ được định hướng kinh doanh, mức vốn đầu tư, kế hoạch tài chính, kế hoạch marketing và các mốc quan trọng cần đạt được cũng như các vấn đề liên quan. Kế hoạch này càng thực tế, hoàn chỉnh thì trong tương lai, công việc vận hành và quản lý của bạn mới rõ ràng, đơn giản và hiệu quả nhất.
Xây dựng kế hoạch kinh doanh quán cafe
Tìm kiếm địa điểm kinh doanh
Lựa chọn một địa điểm kinh doanh hợp lý không chỉ là một điều cần thiết mà còn có thể trở thành lợi thế cho các quán cà phê nhỏ. Nếu đã có sẵn một mặt bằng kinh doanh, hãy nghiên cứu về quán và khu vực xung quanh để tận dụng được hết lợi thế. Còn đang tìm kiếm, hãy lên các tiêu chí và lựa chọn cho hợp lý với ngân sách cũng như nhu cầu.
Mặt bằng đẹp kinh doanh quán cafe
Thiết kế không gian
Không ít khách hàng chia sẻ rằng, đôi khi họ lựa chọn một quán cà phê chỉ đơn giản dựa vào không gian họ cảm nhận được. Dần dần thực khách đến quán cà phê không chỉ để uống cà phê mà còn vì trải nghiệm của họ tại địa điểm này.
Dựa trên ý tưởng về quán cà phê nhỏ của mình, các chủ đầu tư có thể thiết kế bài trí, nội thất cũng như chất lượng không gian cho phù hợp. Định nghĩa về thiết kế không gian không chỉ dừng lại ở vật chất. Hãy quan tâm đến cả ánh sáng, nhiệt độ cũng như âm nhạc trong quán cà phê của mình.
Xây dựng menu
Các quán cà phê nhỏ có thể lựa chọn tự xây dựng menu cho mình hoặc thuê các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để hỗ trợ cho việc này. Thiết kế menu về số lượng món đồ, bố cục hay các mẹo về mức giá có thể thúc đẩy tăng doanh thu đáng kể.
Nếu có thể, bạn nên cân nhắc đưa vào menu một món Signature (món đặc trưng) chỉ riêng quán mình sở hữu.
Tìm kiếm nhà cung cấp
Có nhiều lợi ích tích cực cho việc lựa chọn một nhà cung cấp lâu dài: mức giá ưu đãi, chất lượng ổn định và sự chủ động. Nhà cung cấp nắm nguồn nguyên liệu đầu vào của bạn, vì thế, hãy lựa chọn thật cẩn thận và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp lâu dài với người đối tác này.
Mua sắm thiết bị, cơ sở vật chất
Công đoạn này của quy trình xây dựng quán cà phê mới nên được thực hiện sau khi xác định được ý tưởng, địa điểm cũng thiết kế không gian. Một vài lời khuyên cho các chủ đầu tư mới cho công việc này:
- Tận dụng những gì đang có sẵn để tiết kiệm nhất có thể
- Bám sát kế hoạch ngân sách khi chi tiêu
- Mua những gì phù hợp với thiết kế không gian của mình
Xây dựng quy trình vận hành cho riêng mình
Một quy trình vận hành tốt có thể giảm bớt các chi phí không đáng có, nâng cao hiệu quả cũng như chất lượng phục vụ của quán cà phê. Bởi vậy, trong quá trình ổn định công việc ở quán, hãy xây dựng và điều chỉnh quy trình vận hành cho phù hợp với mình.
Các chủ đầu tư không cần đặt ra quá nhiều nguyên tắc, chuẩn mực cho việc vận hành như các chuỗi cà phê lớn, các cửa hàng khác. Hãy tập trung vào những điều bạn có và những gì bạn đang cần.
Tuyển dụng và đào tạo nhân viên
Nhân lực ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của các cơ sở kinh doanh ngành dịch vụ. Vì thế, tuyển dụng và đào tạo nhân viên chuẩn chỉ ngay từ đầu, trong thời gian hợp lý cũng như xây dựng được các chính sách nhân sự phù hợp là điểm mấu chốt thành công.
Chuẩn bị giấy tờ kinh doanh
Có thể bạn chưa biết, dù không mở những chuỗi cà phê lớn, những cửa hàng kinh doanh rầm rộ, các cơ sở kinh doanh ăn uống ở Việt Nam vẫn cần có giấy đăng ký hoạt động kinh doanh và giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Trước hết, hãy nghiên cứu luật pháp thật kỹ càng để tránh những rắc rối về sau.
Chuẩn bị khai trương
Các quán cà phê, nhà hàng thường có xu hướng chi khá mạnh tay cho hoạt động khai trương của mình. Đây là một điều hợp lý do, bởi, buổi khai trương có ảnh hưởng tương đối lớn đến hoạt động kinh doanh trong tương lai của quán. Tuy vậy, hãy bám sát với kế hoạch ngân sách và đừng chi tiêu quá tay lẹm vào những khoản chi phí khác.
Hoạt động khai trương quán cà phê
KẾT
Nhiều người cho rằng, kinh doanh quán cà phê nhỏ là một công việc kinh doanh hời, không tốn công sức mà sinh lãi cao. Tuy nhiên, một điều cần nhớ là, bất kể công việc gì, bạn cũng cần bỏ rất nhiều thời gian, công sức cũng như suy tính chi tiết, cẩn thận để chạm được đến thành công. Kinh doanh quán cà phê là một công việc thách thức nhưng cũng không thiếu thú vị. Nếu bạn đã lựa chọn dấn thân vào ngành dịch vụ này, hãy vững tâm cố gắng, mọi công sức sẽ được đền đáp xứng đáng.
(Nguồn brandsvietnam - Fnbvietnam)